Một số quy định pháp luật mà Bệnh viện, phòng khám phải thực hiện trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động
Bệnh viện, phòng khám,..(gọi chung là cơ sở y tế), dù là đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân thì cũng cùng chức năng chính là khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phòng chống các dịch bệnh. Một số cơ sở y tế lớn ngoài chức năng trên còn có chức năng đào tạo cán bộ, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế,…Với những chức năng như vậy, để hoạt động được thì cơ sở y tế cần phải trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, thuốc men,…phục vụ quá trình khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, yếu tố con người, đội ngũ y, bác sĩ cũng là yếu tố then chốt trong cơ sở y tế.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu lên những vấn đề cơ sở y tế cần làm để đáp ứng quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh, lao động. Pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này là Luật An toàn, vệ sinh lao động, bên dưới là các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH,…
Theo đó, các cơ sở y tế cần lưu ý thực hiện một số vấn đề sau:
Vấn đề 1, Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Pháp luật bắt buộc cơ sở y tế phải tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, nội dung này được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Nếu cơ sở y tế nếu có đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì có thể tự tổ chức, không thì phải thuê đơn vị có chức năng được Cục An toàn lao động (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cấp phép.
Vấn đề 2, Kiểm định thiết bị an toàn lao động
Ngày 30/12/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH về danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh, lao động. Theo đó, các thiết bị an toàn như nồi hơi, nồi hấp, bình khí nén, thang máy, xe nâng, hệ thống đường ống y tế, hệ thống lạnh, hệ thống đường ống nước nóng,..bắt buộc phải kiểm định trong quá trình sử dụng. Do đó, cơ sở y tế phải rà soát thiết bị an toàn của mình để kiểm định theo đúng quy định pháp luật.
Vấn đề 3, Đào tạo nghề cho các nhân viên vận hành thiết bị an toàn
Theo các Quy chuẩn quốc gia của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các thiết bị an toàn như nồi hơi, nồi hấp, bình khí nén, thang máy, xe nâng, hệ thống đường ống y tế,..ngoài việc bắt buộc phải kiểm định trong quá trình sử dụng thì người vận hành thiết bị này phải qua đào tạo. Do đó, cơ sở y tế phải lưu ý bố trí người vận hành thiết bị an toàn phải có chứng chỉ đào tạo vận hành thiết bị theo đúng quy định pháp luật.
Vấn đề 4, Tổ chức quan trắc môi trường lao động
Quan trắc môi trường lao động được quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Tần suất thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động là 1 lần/năm.
Trên đây là 04 vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động mà cơ sở y tế phải lưu ý thực hiện trong quá trình hoạt động.
Ths. Nguyễn Thế Cường – GĐ Trung tâm Kiểm định hiệu chuẩn vùng 3