TIN TỨC

Một số quy định pháp luật mà Bệnh viện, phòng khám phải thực hiện trong lĩnh vực an toàn bức xạ
    Bệnh viện, phòng khám,..(gọi chung là cơ sở y tế), dù là đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân thì cũng cùng chức năng chính là khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phòng chống các dịch bệnh. Một số cơ sở y tế lớn ngoài chức năng trên còn có chức năng đào tạo cán bộ, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế,…Với những chức năng như vậy, để hoạt động được thì cơ sở y tế cần phải trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, thuốc men,…phục vụ quá trình khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, yếu tố con người, đội ngũ y, bác sĩ cũng là yếu tố then chốt trong cơ sở y tế.
    Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu lên những vấn đề cơ sở y tế cần làm để đáp ứng quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn bức xạ. Lĩnh vực an toàn bức xạ, với pháp lý cao nhất là Luật Năng lượng nguyên tử và bên dưới là các văn bản hướng dẫn thực hiện như: Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Thông tư 22/2019/TT-BKHCN, Thông tư liên tịch 13/2014/TTTL-BKHCN-BYT, Thông tư 06/2016/TT-BKHCN, Thông tư 08/2010/TT-BKHCN, Thông tư 34/2014/TT-BKHCN, Thông tư 19/2012/TT-BKHCN,…
    Theo đó, các cơ sở y tế cần lưu ý thực hiện một số vấn đề sau:
    Vấn đề 1, Thiết bị chiếu xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị X-Quang, nguồn phóng xạ phải xin cấp phép trước khi tiến hành sử dụng, cụ thể:
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận hành thiết bị chiếu xạ, sử dụng thiết bị bức xạ và sử dụng chất phóng xạ được thực hiện theo điều 10 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị X – quang chẩn đoán trong y tế được thực hiện theo điều 11 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN.
    Vấn đề 2, Kiểm định thiết bị bức xạ (máy X- Quang, CT, Tăng sáng truyền hình, loãng xương, DSA,…)
    Các thiết bị bức xạ nằm trong danh mục của Thông tư 27/2010/TT-BKHCN bắt buộc phải kiểm định mới đưa vào sử dụng. Tần suất kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế thực hiện theo điều 9 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT.
Vấn đề 3, Kiểm xạ khu vực làm việc
     Theo điều 14 Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải thực hiện kiểm xạ khu vực làm việc. Tần suất kiểm xạ khu vực làm việc phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của công việc bức xạ được thực hiện tại khu vực đó và không được ít hơn một lần trong một năm.
    Mặc khác, tại điều 15 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT cũng nêu rõ:
“1. Cơ sở y tế phải tiến hành đo kiểm xạ môi trường theo các quy định sau:
a) Đo kiểm xạ môi trường làm việc và xác lập các mức điều tra khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
b) Định kỳ hàng năm kiểm tra mức bức xạ tại các vị trí nhân viên bức xạ y tế làm việc, mức bức xạ môi trường tại các vị trí cửa ra vào và khu vực xung quanh các phòng đặt thiết bị bức xạ, nơi lưu giữ nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ;
c) Định kỳ hàng tháng kiểm tra mức nhiễm bẩn phóng xạ tại nơi làm việc và môi trường xung quanh đối với cơ sở y học hạt nhân sử dụng thuốc phóng xạ khám và điều trị bệnh;
d) So sánh kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc với các mức điều tra đã được xác lập và xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục trong trường hợp kết quả kiểm tra lớn hơn mức điều tra.
2. Cơ sở y tế phải lập, lưu giữ hồ sơ kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc và thông báo kết quả đo kiểm xạ môi trường làm việc cho nhân viên bức xạ y tế”.
    Vấn đề 4, Xây dựng phòng X – Quang, lắp đặt thiết bị X-Quang
    Ngày 19/6/2014, Bộ Khoa học và Bộ Y tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT. Theo đó, các phòng chì X-Quang xây dựng sau ngày Thông tư có hiệu lực phải đảm bảo kích thước theo Phụ lục I – Kích thước phòng đặt thiết bị bức xạ.
    Theo điều 11 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT nêu việc lắp đặt thiết bị bức xạ phải bảo đảm các yêu cầu sau:
“1. Mỗi phòng chỉ được lắp đặt một thiết bị bức xạ, trừ đối với thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế cho phép bố trí 02 thiết bị trong một phòng nhưng phải bảo đảm chỉ một thiết bị được vận hành tại một thời điểm.
2. Thiết bị bức xạ được lắp đặt phải bảo đảm khi sử dụng chùm tia chiếu không hướng vào tủ điều khiển, cửa ra vào, cửa sổ hoặc khu vực công chúng qua lại.
3. Tủ điều khiển thiết bị bức xạ phải đặt ngoài, sát phòng đặt thiết bị, phải có phương tiện quan sát người bệnh, có phương tiện thông tin giữa người điều khiển và người bệnh. Trường hợp thiết bị X - quang chẩn đoán làm việc ở điện áp nhỏ hơn 150 kV, tủ điều khiển được phép đặt trong phòng đặt thiết bị nhưng phải có bình phong chì che chắn bảo đảm mức bức xạ tại vị trí nhân viên đứng vận hành thiết bị nhỏ hơn 10 µSv/giờ”.
    Vấn đề 5, Trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ
    Theo điều 15 Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải trang bị liều kế cá nhân cho tất cả nhân viên làm việc trong khu vực kiểm soát, khu vực giám sát. Tần suất đo không được quá 3 tháng một lần. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải sử dụng dịch vụ đo liều bức xạ cá nhân tại các cơ sở được cấp đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
    Mặc khác, tại điểm a, khoản 1, điều 16 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT cũng nêu:
“a) Trang bị liều kế cá nhân cho các nhân viên bức xạ y tế và thực hiện đo đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ y tế ít nhất 03 tháng một lần tại cơ sở được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân”
    Vấn đề 6, Đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ
    Theo điều 5 Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định:
“Điều 5. Đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ
1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tổ chức đào tạo khi mới tuyển dụng và định kỳ đào tạo lại về an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ.
2. Nhân viên bức xạ phải qua các khóa đào tạo, huấn luyện về an toàn bức xạ theo yêu cầu của người phụ trách an toàn bức xạ.”
    Mặc khác, theo điều 3 và điều 4 Thông tư 34/2014/TT-BKHCN quy định: Nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn phải được đào tạo an toàn bức xạ theo chương trình đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ đang tiến hành và được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ và chỉ được tiến hành công việc bức xạ sau khi được cấp giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ. Định kỳ 03 năm một lần nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn phải được đào tạo nhắc lại và bổ sung kiến thức chuyên sâu, thông tin mới về an toàn bức xạ. Việc đào tạo an toàn bức xạ chỉ được thực hiện bởi các cơ sở được cấp đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
    Vấn đề 7, Khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ
    Theo điều 16 Thông tư 19/2012/TT-BKHCN quy định:
“Điều 16. Khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ
1. Tổ chức và cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ khi mới tuyển dụng, định kỳ hằng năm trong thời gian làm việc và khi chấm dứt làm công việc liên quan tới bức xạ.
2. Nhân viên bức xạ phải thực hiện khám sức khỏe theo yêu cầu của người phụ trách an toàn”.
 

CÁC TIN KHÁC:
DỊCH VỤ
TIN TỨC NỔI BẬT
  |  
LIÊN HỆ
Địa chỉ: Số 69, Đường số 8, Phường An Khánh, Tp. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng thí nghiệm: Đường DX17, Kp. Phú Thọ, P. Phú Chánh, TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Số điện thoại: (028) 9999 0979
Địa chỉ email: kd@kiemdinhvung3.com
 
  • Phạm Tuấn Khoa
    0917712738
    Phòng kinh doanh
  • Nguyễn Thị Anh Thư
    0916620738
    Phòng kinh doanh
  • Lê Thị Hồng Hương
    0909711460
    Phòng kinh doanh
  • Nguyễn Thị Thu Thảo
    0812610738
    Phòng kinh doanh
  • Phan Thị Loan
    0915845738
    Phòng Kinh doanh